Tể tướng thời Minh Hoàng Diêu_Sùng

Năm 712, Duệ Tông nhường ngôi cho Long Cơ, tức Huyền Tông Minh hoàng đế[17]. Đến năm sau (713), phe đảng của công chúa Thái Bình hoàn toàn bị tiêu diệt, Minh Hoàng nắm được quyền hành. Cuối năm đó, Minh Hoàng ngự giá đến Thiểm Tây. Khi đến nơi, có chiếu lệnh triệu tập Diêu Sùng cùng một số thứ sử khác đến bàn việc. Khi Diêu Nguyên Chi đến thì Minh Hoàng đang chuẩn bị đi săn, nhân tiện vua hỏi ông có biết săn thú không. Diêu Nguyên Chi đáp là lúc nhỏ đã từng học. Minh Hoàng vui mừng, cùng đi săn và trò chuyện với ông. Khi kết thúc cuộc vui, Minh Hoàng tỏ ý muốn phong Diêu Nguyên Chi làm tể tướng. Ông bèn quỳ xuống tạ và đề nghị lên Minh Hoàng mười biện pháp cai trị và bảo nếu nhà vua không làm theo được thì mình không dám nhận tướng vị. Sau khi nghe xong, nhà vua nói có khả năng thi hành. Sau đó, vua phong cho Diêu Nguyên Chi làm Thượng thư bộ Binh, Đồng Trung thư môn hạ tam phẩm, tước Lương Quốc công, phong ấp trăm hộ. Về sau Minh Hoàng đổi niên hiệu là Khai Nguyên (khai sáng thịnh thế), Diêu Nguyên Chi vì chữ Nguyên kị vào niên hiệu này nên lại đổi tên thành Diêu Sùng.

Vào thời Đường Trung Tông, trong nước có nhiều thanh niên trai tráng làm tăng, do đó ảnh hưởng đến số lượng phu dịch. Diêu Sùng tấu rằng

Phật không phải tại ngoại mà là tại tâm. Hành sự lợi ích, thương sinh yên ổn chính là Phật lý. Không nên dụng gian nhân là ô uế chân giáo.

Minh Hoàng nghe theo, hạ lệnh bắt một số nhà sư còn trẻ phải hoàn tục về nhà, tổng cộng được hơn 12.000 người.

Diêu Sùng thường ở trước mặt nhà vua xin chỉ về việc bổ dụng quan lại, nhưng Minh Hoàng không trả lời. Đến ba lần đều như vậy, ông lại sợ mà lui ra. Nội giám Cao Lực Sĩ bảo rằng ý vua là muốn Diêu Sùng không phải việc gì cũng phải tấu lên xin ý kiến. Do vậy, Diêu Sùng ra sức tiến hiền, bỏ tà, khiến thiên hạ nhanh chóng thịnh trị; bản thân ông trở thành tể tướng giỏi của nhà Đường.

Cuối năm 713, Đường Minh Hoàng lần lượt cho đổi tên một số cơ quan và địa danh trong nước trong đó Trung thư tỉnh đổi thành Tử vi tỉnh, đứng đầu là Tử vi lệnh và chức vụ này được giao cho Diêu Sùng[18].

Năm 714, Minh Hoàng sai tướng quân Tiết Nộn công đánh Khiết Đan. Diêu Sùng hết lời can ngăn rằng không nên nhưng Minh Hoàng không nghe. Kết quả quân Đường thảm bại, chết đến 8,9 phần[18]. Trong khi đó ở triều, Diêu Sùng cùng tể tướng Lư Hoài Thận tiếp tục ra sức loại bỏ ảnh hưởng của quý tộc lên chính sách cai trị mới. Lúc này, Diêu Sùng và Lư Hoài Thận là cùng giữ chức tể tướng, nhưng ông tỏ ra vượt trội hơn hẳn Hoài Thận. Năm 715, con trai Diêu Sùng mất, ông phải về nhà lo việc tang, nửa tháng không lên triều. Trong nửa tháng đó, Lư Hoài Thận không thể nào giải quyết được hết các công việc trong triều. Do vậy Lư Hoài Thận biết mình thua kém Diêu Sùng, nên thường để những chính vụ quan trọng cho ông giải quyết. Vì thế Diêu Sùng là tể tướng có quyền lực lớn nhất trong triều lúc đó. Cũng năm đó, ở Sơn Đông có nạn châu chấu gây hại cho mùa màng, Diêu Sùng chủ trương bắt và giết hết tất cả châu chấu đi. Minh Hoàng nghi ngờ kế sách này vì cho rằng khó có thể thi hành, nên chưa muốn làm. Diêu Sùng lại cực lực khuyên ngăn và giải thích phương pháp; thì Lư Hoài Thận lại cho rằng nếu giết quá nhiều châu chấu sẽ gây tổn hại đến âm dương ngũ hành. Diêu Sùng lại bảo châu chấu gây hại nặng cho sản xuất nông nghiệp nên cần phải giết hết, nếu thần linh có trách phạt thì ông sẽ lãnh hết. Cuối cùng Minh Hoàng chấp nhận thỉnh cầu này.

Sang năm 716, nạn châu chấu lại nổ ra ở Hà Nam, Diêu Sùng tiếp tục đề nghị tiêu diệt hết châu chấu. Thứ sử Biện châu[19] Nghê Nhược Thủy không đồng tình và viện lý do rằng xưa kia vua Hán TriệuLưu Thông cũng diệt châu chấu theo cách như vậy và không thành công, nếu muốn diệt thiên họa thì phải đề cao thánh đức. Đáp lại, Diêu Sùng viết thư cho Nghê Nhược Thủy, bảo rằng

Lưu Thông chỉ là dung chủ, không đủ đức hạnh thì sao diệt trừ được nạn châu chấu. Hiện nay đương kim thiên tử anh minh thánh đức, thì lo gì không diệt được. Với lại xưa nay quan lại địa phương nếu có đạo đức thì nơi đó không bao giờ gặp nạn châu chấu. Nay ông bảo khuếch trương thánh đức mới hết được châu chấu, tức là tự nói mình không có đức sao?

Nghê Nhược Thủy không dám phản kháng nữa. Cùng năm đó, Lư Hoài Thận chết, Nguyên Can Diệu được bổ làm tể tướng phụ tá cho Diêu Sùng[20]. Không lâu sao Diêu Sùng bị bệnh nặng, trong khi ông không có phủ đệ, phải an dưỡng ở chùa Võng Cực. Khi đó, Minh Hoàng rất quan tâm đến bệnh tình của ông, thường sai người đến thăm hỏi và có khi con đến chùa hỏi ý kiến của ông về những việc lớn mà mình không giải quyết được. Đầu năm 717, theo đề nghị của Nguyên Can Diệu, Minh Hoàng cho đưa Diêu Sùng đến Tứ phương quán, nơi ở của sứ thần các nước, nhằm để ông ở gần cung điện hơn. Diêu Sùng ban đầu từ chối vì cho rằng nơi đó quá xa hoa, không thích hợp với mình nhưng cuối cùng bị Minh Hoàng thúc ép mãi nên ông phải chấp nhận. Trong khoảng thời gian Diêu Sùng bị bệnh về nguyên tắc thì chính sự do Nguyên Can Diệu giải quyết. Mỗi khi Can Diệu có tấu việc gì lên làm mình hài lòng, Minh Hoàng cũng nói Diêu Sùng có thể không hài lòng và nếu không hợp ý vua thì Minh Hoàng bảo Can Diệu đến hỏi Diêu Sùng.